Trả lời:
Hạt dưa, hạt hướng dương, hạt dẻ... được sấy khô, có nhiều dinh dưỡng, phổ biến trong mâm quả bánh ngày Tết của gia đình Việt. Các loại hạt thường có cấu tạo vỏ ngoài cứng, bên trong là lớp màng lụa, cuối cùng là nhân. Bạn thường cắn để tách vỏ, ăn phần nhân và lớp màng lụa. Lớp màng lụa này giòn, vụn, bám vào cổ họng dễ gây kích thích, dẫn đến ho. Hàm lượng chất béo (dầu) và lớp vỏ cám cũng có thể kích thích cổ họng nếu ăn nhiều.
Khi ăn không cẩn thận, bạn có thể nhai, nuốt phải phần vỏ, gây ra tổn thương niêm mạc, ngứa, đau họng. Chưa kể, cắn hạt nhiều và liên tục, ma sát vỏ hạt cứng với lưỡi, miệng dễ bị trầy xước. Chất xơ trong hạt hướng dương là cellulose và lignin, nếu ăn quá nhiều cũng có thể dẫn đến tắc ruột, táo bón, rối loạn tiêu hóa, đầy hơi, chướng bụng.
Bác sĩ Trâm đang nội soi họng cho một người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Bạn nên nhai từ từ, uống nhiều nước sau khi ăn hạt dưa, hạt hướng dương nhằm làm dịu cổ họng, tránh đau, khàn giọng. Chọn loại hạt được rang chín đủ và không quá khô, tránh nuốt vỏ hạt, không nên vừa ăn vừa nói chuyện để tránh hít sặc vào đường thở. Bạn cũng có thể dùng tay bóc vỏ hoặc dùng các loại hạt đã tách sẵn vỏ thay vì cắn.
Nếu đau họng, khàn giọng, ho sau khi ăn các loại hạt này, bạn nên ngừng, uống nước ấm, súc miệng. Ưu tiên các món ấm, mềm hoặc lỏng, hạn chế nói to... để niêm mạc họng được làm dịu, giảm kích thích. Uống nước chanh pha với mật ong, trà gừng, ăn nhiều trái cây giàu vitamin C như cam, quýt, bưởi để giảm tổn thương.
Kích ứng họng do ăn nhiều các loại hạt thường không nguy hiểm, chỉ diễn ra dưới một tuần. Nhưng nếu tiếp diễn 1-2 tuần, bạn cần đến bác sĩ Tai Mũi Họng khám. Người đang mắc bệnh hô hấp, đặc biệt là hen suyễn cẩn trọng khi ăn hạt hướng dương, hạt dưa.
BS.CKI Phạm Huỳnh Bích TrâmĐơn vị Tai Mũi Họng Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp